Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thanh tra chuyên ngành VH-TT&DL năm 2024; tập huấn nghiệp vụ thanh tra và tổng kết công tác thi đua- khen thưởng thanh tra chuyên ngành năm 2023.From: web game casino
Chia sẻ tại sự kiện, ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, hoạt động thanh tra chuyên ngành thời gian qua đã có nhiều cố gắng. Qua các cuộc thanh tra tại các cơ quan, đơn vị, và địa phương đã kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, góp phần tích cực vào triển khai các nhiệm vụ chính trị của ngành trong thời gian qua.
Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra được thực hiện hiệu quả ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm như bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, bản quyền tác giả, lễ hội, dịch vụ du lịch, thể dục thể thao…
Ông Đông cũng nhấn mạnh, Hội nghị cần trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra chuyên ngành VH-TT&DL, từ thể chế pháp lý, nguồn lực đến điều kiện đảm bảo, trên cơ sở đó thống nhất các kiến nghị để đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Theo đó, năm 2023, thanh tra chuyên ngành VH-TT&DL đã hoàn thành 100% kế hoạch công tác và các nhiệm vụ đột xuất được giao. Hơn 1.200 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được thành lập trên toàn quốc; thanh tra, kiểm tra hơn 12.100 tổ chức, cá nhân; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính hơn 810 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt hơn 14 tỷ đồng.
Trong đó, Thanh tra Bộ đã triển khai 61 đoàn thanh tra chuyên ngành, 10 đoàn kiểm tra đối với 21 cơ quan quản lý nhà nước về VH-TT&DL và trên 300 tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Thanh tra Bộ cũng đã làm việc với 11 tổ chức để giải quyết các vụ việc vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, phổ biến phim.
Báo cáo của Thanh tra Bộ cũng cho biết, Thanh tra ngành VH-TT&DL đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra; kiên quyết, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đã thực hiện theo đúng quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Luật Xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo, quyền tác giả, quyền liên quan…
Riêng trong lĩnh vực quản lý, tổ chức lễ hội; bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, qua hoạt động thanh, kiểm tra cho thấy, về cơ bản, các lễ hội, di tích đã thực hiện các quy định pháp luật về tổ chức lễ hội, quản lý di tích, tình trạng thực hành mê tín, dị đoan, đốt vàng mã, mất an ninh trật tự đã giảm đi nhiều.
Tuy nhiên, tại một số di tích, công tác phòng chống cháy nổ chưa đảm bảo, chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị chữa cháy; còn tiếp nhận đồ vật không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng…
Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở đã yêu cầu chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức các lễ hội tiếp tục công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở du khách giữ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không tiếp tay hoặc thực hành các hoạt động mê tín dị đoan, khắc phục kịp thời các tồn tại, chấp hành nghiêm quy định pháp luật trong quá trình hoạt động.
Trong các lĩnh vực nóng như biểu diễn nghệ thuật; hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; quảng cáo; quyền tác giả, quyền liên quan; lĩnh vực thể thao, du lịch…, hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật chuyên ngành được triển khai thường xuyên, quyết liệt để kịp thời phát hiện những sai phạm; chấn chỉnh và xử phạt các hành vi vi phạm…
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, một số vướng mắc, bất cập cũng được chỉ rõ. Như Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa quy định về việc trẻ em tham gia biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, trình diễn thời trang; một số cụm từ chưa được giải thích như “vui chơi”, “giải trí”.
Nghị định phân cấp cho địa phương cấp phép đối với các cuộc thi người đẹp, trong trường hợp một cuộc thi tổ chức tại nhiều địa phương thì sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục hành chính để xin văn bản chấp thuận tại các địa phương nơi tổ chức.
Luật Quảng cáo chưa quy định về phương tiện quảng cáo trên môi trường mạng, internet; chưa quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; chưa giải thích một số từ như “khẩu hiệu”, “thương hiệu”…
Một số quy định của Luật chưa cụ thể, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện trong thực tiễn như: quy định về việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế hỗ trợ khách du lịch làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hải quan; quy định về hành vi quản lý khách du lịch, phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch.
Trong năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng dẫn chuyên môn của Thanh tra Chính phủ, Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo Thanh tra Bộ xây dựng Kế hoạch thanh tra chuyên ngành, đồng thời hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch với nhiều nội dung đổi mới, mở rộng nội dung thanh tra nhằm phát hiện kịp thời, đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.